Địa lý Thái Đào

Xã Thái Đào nằm ở cực Nam của huyện Lạng Giang, cách huyện lỵ là thị trấn Vôi 10 km, cách tỉnh lỵ là thành phố Bắc Giang là 7 km. Chiều dài nhất từ Bắc xuống Nam là 5 km, chiều rộng nhất từ Đông sang Tây là 3,65 km.

Vị trí địa lý:

  • Phía Bắc giáp xã Tân Dĩnh huyện Lạng Giang;
  • Phía Đông Bắc giáp xã Xương Lâm huyện Lạng Giang;
  • Phía Đông giáp xã Đại Lâm huyện Lạng Giang;
  • Phía Đông Nam giáp xã Lão Hộ huyện Yên Dũng;
  • Phía Nam giáp thị trấn Tân Dân huyện Yên Dũng;
  • Phía Tây Nam giáp xã Hương Gián huyện Yên Dũng;
  • Phía Tây giáp xã Dĩnh Trì thành phố Bắc Giang.

Trước Cách Mạng Tháng Tám năm 1945, xã Thái Đào thuộc tổng Thái Đào. Tổng Thái Đào đầu thế kỷ XIX thuộc huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, Kinh Bắc. Tổng gồm 5 xã: Thái Đào, Hương Gián, Gia Sơn, Thiếp Trì và Lạc Giản. Đầu thế kỷ XX tổng Thái Đào thuộc huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Xã Thái Đào ngày nay được thành lập năm 1958 tách ra khỏi xã Thái Sơn (nay là xã Hương Gián huyện Yên Dũng) gồm 3 xã cũ là: Thái Đào (có các thôn: Giạ, Mỹ, Then, Ghép và Chùa), Trung Lập (gồm có: Cống, Gốm và Vạc), Thiếp Trì (thôn Sen).

Thái Đào là nơi có vị trí thiên nhiên, địa văn hóa thuận lợi, từ xưa đã có con người xuất hiện trên mảnh đất Thái Đào. Trải qua những biến cố của lịch sử nhiều dòng họ, gia đình đã đến sinh sống và định cư tại đây đã làm cho mảnh đất này thêm đa dạng về văn hóa. Phong tục tập quán của Thái Đào mang đậm bản sắc của văn hóa cổ truyền của người Việt ở đồng bằng trung du Bắc Bộ. Hiện nay Thái Đào còn lại được một bản tục lệ của xã Thiếp Trì, Trung Lập khi xưa. Bản tục lệ này lập năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780), được lập bởi Hương lão, Lý dịch cùng toàn dân hai xã Thiếp Trì và Trung Lập tổng Thái Đào, bản tục lệ bao gồm 30 điều, xin trích dẫn một số điều như:[3]

- Người nào có việc hiếu thì xin tư văn bản xã hành lễ, gia đình đem theo trầu cau nói với trưởng văn, khi đó trưởng văn sẽ tập hợp người để cắt việc cho gia đình.[4]

- Người nào trong xã tự tiện phế, khiếm các công việc của hương đảng và các phu dịch thì sẽ không được dự vào âm dương tế pháp.[5]

- Người nào trong hội tư văn mắc lỗi thì trong các lệ tế, tư văn sẽ cho ngồi ngoài mà không được vào tế lễ trong đình.[6]

- Bản xã có 3 thôn, trong thôn có nhiều lúa, hoa màu, cây cối vì vậy người nào ăn trộm sẽ bị phạt 3 quan, người bắt được sẽ được thưởng 1 quan.[7]


Đơn vị hành chính:

Thái Đào có 16 thôn gồm: An Thái, Chùa, Cống, Đồ, Đồng Rợ Mỏ, Giạ (Dạ), Ghép, Gốm, Mầu, Mỹ, Quýnh Rã, Thái Đào, Tân Đông, Then, Thiếp Trì (Sen) và thôn Vạc. Trụ sở cơ quan hành chính của xã được đặt tại thôn Thái Đào.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thái Đào //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://baochinhphu.vn/Nhan-su/Chu-tich-nuoc-trao-q... http://mic.gov.vn/uploads/20100623/E124-2009%20(31... https://www.youtube.com/watch?v=C_KEOe1C7jk https://www.youtube.com/watch?v=LWJc8KddXgU&t=319s https://ngoisao.net/nong-dan-lang-then-choi-vi-cam... https://web.archive.org/web/20130324095035/http://... https://nhandan.vn/di-san/tieng-vi-cam-o-lang-then... https://ct.qdnd.vn/van-hoa-xa-hoi/tieng-vi-cam-tre... https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/doc-dao-lang-vi-...